Lịch sử Tiếng_România

Tiền sử

Tương tự các nhánh khác trong nhóm ngôn ngữ Rôman, các ngôn ngữ Đông Rôman cũng bắt nguồn từ tiếng Latinh bình dân (được Dacia chấp nhận sử dụng trong tiến trình Latinh hóa văn hóa diễn ra vào những thế kỷ đầu Công lịch).[4][5] Năm 271-275, Đế quốc La Mã rút khỏi Dacia và bỏ lại miền đất này cho dân Goth.[6][7] Hiện chưa rõ về lịch sử ngôn ngữ Đông Rôman trong giai đoạn giữa thế kỷ 3 cho đến trước thế kỷ 10 (khi vùng đất này rơi vào tầm ảnh hưởng của Đế quốc Đông La Mã). Người ta vẫn tranh cãi rằng liệu tiếng Tiền România đã phát triển trong cộng đồng dân Dacia-La Mã bị người La Mã bỏ lại Dacia sau khi rút đi hay thứ tiếng này đã phát triển trong lòng cộng đồng nói tiếng Latinh ở vùng Balkan, miền nam sông Donau.

Vào thời Trung cổ, tiếng România bắt đầu chịu ảnh hưởng từ ngôn ngữ Slavơ[8] và một phần từ tiếng Hy Lạp. Suốt thời Trung cổ, thứ tiếng này vẫn không được chứng thực, chỉ đến đầu thế kỷ 16 thì mới được lịch sử ghi nhận.

Lịch sử thời kỳ đầu

Văn bản cổ nhất (còn tồn tại) được viết bằng tiếng România là thư của Neacșu (1521) và được viết bằng chữ kirin (được dùng mãi đến cuối thế kỷ 19). Hiện chưa ghi nhận được bất kỳ văn bản nào được viết bằng tiếng România có niên đại trước 1521.

Trong tác phẩm De neamul moldovenilor (1687), Miron Costin viết rằng người Moldavia, người Wallachia và người România sống ở Nước Hungary đều có cùng nguồn gốc, và người Moldavia thậm chí còn gọi ngôn ngữ của họ là "tiếng România" (românește) thay vì gọi là "tiếng Moldavia" (moldovenește).[9]

Trong tác phẩm Descriptio Moldaviae (Berlin, 1714), Dimitrie Cantemir chỉ ra rằng dân Moldavia, Wallachia và Transilvania đều nói cùng một ngôn ngữ, dù rằng có một số khác biệt trong giọng và từ vựng.[10] Công trình của Cantemir cung cấp một trong những cái nhìn mang tính lịch sử đầu tiên về tiếng România, về sự phát triển từ tiếng Latinh và việc vay mượn từ vựng từ tiếng Hy Lạp, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ba Lan. Ông còn cho rằng một số từ vựng chắc hẳn có gốc gác từ tiếng Dacia. Cantemir cho rằng, mặc dù đa số người ở thời đại của ông tin rằng tiếng România có nguồn gốc Latinh, song có những học giả cho rằng thứ tiếng này phát triển từ tiếng Ý.

Lịch sử thời hiện đại

Tác phẩm viết về ngữ pháp tiếng România đầu tiên được xuất bản tại Viên vào năm 1780.[11] Sau khi Nga thôn tính Bessarabia (tức là sau năm 1812), người ta chọn tiếng Moldavia làm ngôn ngữ hành chính ở Bessarabia cùng với tiếng Nga[12] Từ năm 1812 đến năm 1918, diễn ra quá trình phát triển song hành ở Bessarabia; trong khi tiếng Nga tiếp tục chiếm ưu thế thì tiếng România giữ vai trò là ngôn ngữ bản xứ chính.

Từ năm 1905 đến năm 1917, xung đột ngôn ngữ ngày càng nóng hơn khi tinh thần dân tộc trỗi dậy ở Bessarabia. Trong các năm 1905-1906, zemstva của Bessarabia yêu sách đưa tiếng România vào giảng dạy trong nhà trường với tư cách "ngôn ngữ bắt buộc", đồng thời đòi "quyền tự do giảng dạy tiếng mẹ đẻ (tiếng România)". Cũng trong thời gian này, xuất hiện các tờ báo và tập san đầu tiên viết bằng tiếng România: Basarabia (1906), Viața Basarabiei (1907), Moldovanul (1907), Luminătorul (1908), Cuvînt moldovenesc (1913), Glasul Basarabiei (1913).

Năm 1923, bản hiến pháp mới đánh dấu sự kiện tiếng România giành được địa vị ngôn ngữ chính thức.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng_România http://www.ethnologue.com/show_language.asp?code=r... http://say.expressivo.com/carmen/Limba_rom%C3%A2n%... http://www.sjsu.edu/faculty/watkins/barbarians.htm http://www.hrono.info/dokum/moldav1818.html http://www.iatp.md/ladom/downloads/M3.doc http://www.parlament.md/law/constitution/t7/ http://web.archive.org/web/20040618041543/http://e... http://www.ccel.org/p/pearse/morefathers/eutropius... http://www.eurojewcong.org/ejc/news.php?id_article... http://www.sil.org/iso639-3/documentation.asp?id=r...